Quy trình Vẽ CAD cho thiết kế một công trình
1. Khởi tạo bản vẽ
– Trước khi vẽ phải có bản nháp tay đúng tỷ lệ, đã khẳng định được các kích thước, hình khối cơ bản. Lên danh mục bản vẽ để ước lượng khối lượng công việc.
– Nên mở 1 file hoàn thành trước đó để tận dụng cấu trúc Layer, DIM, TEXT style, block… có sẵn. Bật toàn bộ các layer, unlock các layer bị lock, thaw các layer bị freeze, chọn ERASE, slect object: ALL, sau đó Save As thành file mới.
Lưu ý:
• Dimstyle có thể export, import thành dạng file để sử dụng chung giữa các bản CAD.
– Layer TRUC là layer quan trọng nhất của hồ sơ thiết kế, dùng để định vị, theo suốt quá trình thực hiện bản vẽ kiến trúc, là layer được dùng làm cơ sở cho các bộ môn khác: kết cấu, điện, nước… Tại hiện trường thi công, bản in của layer TRUC là căn cứ để xác định vị trí công trình và định vị móng, tường xây, khoảng trừ cửa, v,v…
– Do tính chất đặc biệt quan trọng của hệ trục nên hệ trục trên các bản MB,MC,MĐ cần thẳng hàng để tiện gióng kiểm tra, dựng hình.
– Dựng khung, bố cục một số bản vẽ MB,MC,MĐ chính. Nếu mỗi bản vẽ chứa 1 MB thì vị trí tương đối của MB đó với khung bản vẽ nên giống nhau giữa các MB, khi copy các đối tượng giống nhau giữa các bản có thể sử dụng base point là một góc khung. Do khung thường không nằm sát đối tượng nào nên thao tác này tránh việc bắt nhầm điểm. Khung đóng vai trò hệ định vị phụ trong bản vẽ, nhất là khi layer TRUC bị tắt.
– In kiểm tra (có thể in nhỏ) để quyết định bố cục, tỷ lệ và điều chỉnh danh mục bản vẽ nếu cần.2. Vẽ phần cắt, thấy– Lấy layer CAT (TUONG, COT…) hiện hành, vẽ tường, cột MB, trổ cửa, cửa sổ, vách kính… (chưa cần vẽ cửa, chi tiết WC…)
– Lấy layer THAY hiện hành, dựng sơ bộ MĐ, MC trên cơ sở phần MB đã vẽ.
– Đối chiếu 2 phần trên để điều chỉnh vị trí, kích thước cửa, trục, cột…, in thử kiểm tra và quyết định chính xác vết cắt trên MB các tầng.
3. Hoàn thành phần sơ bộ
– Dựng hết nét thấy cơ bản trên MĐ (chưa cần chia đố cửa, hoa sắt, gờ phào nhỏ…)
– Hiệu chỉnh lại MB,MC theo MĐ trên.
– WC và thang có thể in to, chia tay thật kỹ rồi mới vẽ.
– Xác định các chi tiết cần trích, khoanh vùng đánh dấu.
– Kiểm tra dimstyle, không dùng style STANDARD, và dim các trục chính, không dùng textstyle là STANDARD cho đường kích thước (và cho D,M_text)
– In nháp đúng tỷ lệ, kiểm, sửa.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 3 nói trên, hồ sơ kiến trúc đã có thể được dùng cho các công việc khác nhau:
– Chuyển 3D làm phối cảnh (nếu cần báo cáo)
– Chuyển Photoshop, Corel làm mầu MB, MC… (nếu cần báo cáo)
– Nếu sau báo cáo cần điều chỉnh thì sửa lại hồ sơ trên. Sau khi phương án được duyệt, hồ sơ kiến trúc được bàn giao cho các bộ môn:
– Điện
– Nước
– Kết cấu
– Giao dự toán để tính dần tiên lượng phần xây, diện tích cửa.
4. Hoàn thiện bản vẽ kiến trúc (có thể giao người khác cùng làm)
– Trước khi hoàn thiện nên Save As.
– Khai triển WC, chuyển dự toán tính ốp lát, phần bể phốt có thể do kiến trúc hoặc kết cấu vẽ, trên cơ sở đã có thiết kế móng và phương án cấp, thoát nước.
– Vẽ kỹ thêm chi tiết cửa trên MĐ, copy sang bản khai triển cửa để vẽ chi tiết hơn, 3 hình chiếu (có thể giao người khác cùng làm)
– Vẽ kỹ thêm chi tiết thang trên MB, MC, copy sang bản khai triển thang để vẽ chi tiết hơn (có thể giao người khác cùng làm)
– Vẽ kỹ thêm các chi tiết kiến trúc, gờ phào, ốp, trát… trên MĐ, copy sang bản khai triển chi tiết để vẽ chi tiết hơn, 3 hình chiếu (có thể giao người khác cùng làm)
– DIM chi tiết, ghi chú, điền tên, số chi tiết trích… Hết sức lưu ý là chỉ DIM kích thước cấu kiện chịu lực: (dầm, cột…) khi tự khẳng định được là đủ, chưa giao kết cấu, nếu đã giao kết cấu thì phải thống nhất. Tương tự áp dụng với việc DIM kích thước hộp, trần kỹ thuật cho điều hòa trung tâm, thang máy… Khi định vị chi tiết nhỏ phải DIM về trục định vị gần nhất, không ghi kích thước thông thủy (trừ khi với bản vẽ chi tiết, ốp lát…. với tỷ lệ rất lớn, đã vẽ chính xác cả mạch vữa… – thường dùng với thiết kế nội thất hoặc bản vẽ chi tiết tại công trường theo kiểu tổ chức thiết kế của nước ngoài)
– Hatch.
– Khi Dim, Hatch, cần in 1 phần bản vẽ đúng tỷ lệ để kiểm tra, lỗi thường gặp là hatch quá dầy, in bị đen, text, tick của Dim quá lớn hoặc quá nhỏ, text của Dim bị dính sát vào đường kích thước. Đặc biệt lưu ý việc Dim bị nhẩy số do dùng nhầm lẫn khi có nhiều loại Dimstyle trong 1 bản vẽ hoặc đối tượng bị scaled.
5. Kiểm tra tổng thể (tự kiểm)
– Nên kiểm tra chéo, người này vẽ người khác kiểm tra.
– Kiểm tra tính thống nhất về hình họa giữa các hình chiếu.
– Kiểm tra Dim, cốt cao độ.
– Kiểm tra ghi chú, chuyển chú chi tiết (thường bị copy quên DDEDIT)
– Kiểm tra thống kê cửa, WC.
– Kiểm tra tên công trình, chủ đầu tư, địa điểm (thường bị copy quên DDEDIT)
– Kiểm tra số, tên bản vẽ, ngày tháng, chủ trì…
6. Chỉnh sửa và giao QLKT kiểm xuất hồ sơ.
– Nếu 5 bước đầu tiên được làm chỉnh chu thì việc sửa đổi sẽ không đáng kể.
Một số lưu ý khác:
– Mỗi lần in tự kiểm tra cần ghi lại những nội dung cần sửa theo gạch đầu dòng. Nếu hồ sơ đã giao các bộ môn khác thì photo bản ghi sửa đổi đó thông báo cho các bộ môn (hoặc EMAIL CC cho các bộ môn, đề nghị confirm việc đã biết nội dung thay đổi – không nên dùng CHAT)
– Sửa xong nội dung nào đánh dấu nội dung đó.
– Sau khi sửa, update file lại một lần nữa với các bộ môn, đề nghị confirm lại.
– Trường hợp bản vẽ vượt quá khổ giấy thông thường cần chia thành các bản vẽ nhỏ. Phải có 1 bản sơ đồ thể hiện việc chia, ghép bản đó ở tỷ lệ nhỏ hơn, trên các bản khai triển phải ghi chú xem sơ đồ ghép tại bản nào.
– Với CAD 2005 trở lên có thể áp dụng Atrribute Extraction để thống kê cửa, thiết bị WC, thiết bị điện, thống kê bản vẽ…
– Với CAD Map 2000 trở lên có thể hatch theo layer, tính, thống kê diện tích…